Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Nên đa dạng các phong trào thi đua


Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền – Ủy viên Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) năm 2011 của Khối các Bộ, ngành khoa học – văn hóa – xã hội trong buổi làm việc với 3 đơn vị là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội và Trường ĐH Giao thông – Vận tải ngày 14/12.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo với Đoàn về tình hình thực hiện công tác TĐKT thời gian qua. Đồng thời, các đơn vị cũng kiến nghị với Đoàn một số vấn đề bổ sung, như đổi mới về khen thưởng, thi đua; đổi mới về tổ chức làm công tác TĐKT; quy chế hoạt động của Hội đồng thi đua, những tồn đọng về công tác TĐKT…
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
Để đổi mới công tác TĐKT, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, nên coi đây là một nghề, cán bộ chuyên trách TĐKT cần phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. “Về vấn đề khen thưởng, hiện nay chúng ta có quá nhiều hình thức khen thưởng nhưng chưa chú trọng tổ chức trao thưởng nên hạn chế việc tôn vinh, khích lệ, động viên giáo viên, học sinh, sinh viên. Công tác khen thưởng phải kịp thời, tăng cường phát hiện nhân tố mới để khen, không nhất thiết phải bình bầu, kỳ hạn”- Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị.
Đề xuất với Hội đồng TĐKT Trung ương về vấn đề khen thưởng cho đội ngũ trí thức, khoa học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, ông Kiều Thế Hưng nêu vấn đề: Hiện nay, theo quy định ở cấp trường, hiệu trưởng có thẩm quyền tặng tới danh hiệu cao nhất là giấy khen. Như vậy đối với hiệu trưởng các trường ĐH cũng ngang bằng với hiệu trưởng các trường mần non, trung học. Trong khi đó, đội ngũ tri thức ở các trường ĐH là giáo sư, tiến sĩ, nếu chỉ nhận được giấy khen của hiệu trưởng thì sẽ hạn chế việc tôn vinh, khích lệ, động viên. “Ở cấp trường ĐH, cần xây dựng cơ chế  mở đối với các hình thức khen cao, như trao quyền cho hiệu trưởng có thẩm quyền tặng khen tới mức bằng khen”, ông Hưng kiến nghị.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của  Bộ GD&ĐT trong công tác TĐKT. Theo đó, các trường tiếp tục thực hiện sâu rộng đến cơ sở, thi đua hướng vào chất lượng và hiệu quả công tác, coi công tác TĐKT là một nhiệm vụ quan trọng nhằm quản lý nhà trường, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cá nhân.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, ngành GD&ĐT đã quán triệt chủ trương đổi mới công tác TĐKT của Bộ Chính trị, phát động được những phong trào TĐKT thưởng thực tiễn, bám sát những vấn đề nổi lên để triển khai thực hiện, như phong trào: “Dạy tốt -Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội. Gần đây là phong trào “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyển đề nghị ngành giáo dục cần phải phát động đa dạng các phong trào, đánh giá bình xét thi đua cụm. Theo đó, để công tác TĐKT đi vào thực tiễn, công tác tuyên truyền phải đi liền, từ đó nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua các danh hiệu được phong tặng để họ chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, công tác khen thưởng phải quan tâm giải quyết, động viên kịp thời những gương điển hình.
Liên quan đến vấn đề khen thưởng cho đội ngũ tri thức, Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục cần phải có sáng tạo giữa khen và thưởng, có tổng kết và có phần thưởng thích đáng cho đối tượng được khen, thưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét