Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền dự sơ kết 2 năm thực hiện đề án 1956


Ngày 11/1, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, định kỳ và rà soát lại toàn bộ các chính sách đã ban hành.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, định kỳ và rà soát lại toàn bộ các chính sách đã ban hành.
Sau 2 năm thực hiện Đề án, có thể khẳng định Đề án 1956 đã thành công, tạo dấu ấn rất sâu đậm và có ý nghĩa to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội trên toàn quốc. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, gần 800 ngàn lượt người được học nghề, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh, thành phố đạt trên 70%, đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn và xây dựng được một số mô hình tiên tiến.
Các doanh nghiệp dệt may khẳng định Đề án 1956 đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong 2 năm qua. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, kinh tế suy giảm thì những cơ chế của Đề án tạo ra đã giúp doanh nghiệp thu hút lao động, đồng thời tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động của người lao động nông thôn đã được nâng cao.
Với Đề án 1956, lần đầu tiên những mục tiêu định lượng về số lao động được đào tạo nghề và hiệu quả của các lớp học được đưa ra. Theo đó, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn. Khoảng 120.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế được học nghề theo đơn đặt hàng. Về hiệu quả, Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%.
Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm, quán triệt đúng tinh thần Đề án thì hoạt động dạy nghề sẽ đi đúng hướng và ngược lại. Ý thức được điều này, trong năm 2011, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 đã quán triệt việc thực hiện “4 có” và “4 biết”. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương, địa phương nào thực hiện đủ “4 có”- “4 biết” thì hầu hết lao động sau học nghề có việc làm, vì đáp ứng đúng nhu cầu của lao động và nhu cầu nhân lực địa phương. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa nắm được tinh thần này, làm không đúng và không trúng. Việc xác định nhu cầu học nghề của lao động cũng phải cân nhắc trên cơ sở thực tế địa phương.
Mặc dù đã có những kết quả rất nổi bật, nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm vừa qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có những hạn chế phải khắc phục. Vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt 87%. Vẫn có 9 tỉnh, thành không đạt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn học nghề có việc làm theo mục tiêu của Đề án.
Trên cơ sở những thành công ban đầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị năm 2012, sẽ tiếp tục đào tạo khoảng 600.000 lượt người. Về phía người nông dân, cần xác định rõ đầu ra của công việc rồi mới xác định mình sẽ đăng ký học nghề gì.
Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, định kỳ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tối thiểu 2 năm/lần. Rà soát lại toàn bộ các chính sách đã ban hành, công bố trước 27/2 để các địa phương chủ động hướng dẫn thực hiện.
Trong quý 1/2012, các địa phương cần cơ bản khắc phục được “4 thiếu”, đó là thiếu đề án cấp địa phương, thiếu biên chế cho công tác dạy nghề ở cấp huyện, thiếu Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn ở 11% số huyện và 27% số xã trên cả nước, thiếu Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của 9 tỉnh.
Trong tháng 2/2012, các địa phương tổng kết công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương mình.
Nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin tuyên truyền, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị các đài truyền hình, đài tiếng nói của các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng chuyên mục dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí cần tiếp cận nguồn tài liệu chính thức của Ban Chỉ đạo Trung ương để tuyên truyền đúng, kịp thời những gương điển hình.
Từ Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét